Trước đây, các cơ sở giáo dục đã biết đến và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 để đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng và cải tiến thường xuyên nhằm nâng cao công tác quản lý và quản trị tại cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình giám sát hiệu quả thông qua quy trình hoạt động, từ đó đánh giá sự không phù hợp nhằm cải tiến nâng cao chất lượng, tối ưu hóa nguồn lực.
Năm 2018, nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc áp dụng ISO vào quản lý giáo dục, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã công bố Hệ thống quản lý chất lượng ISO 2001:2018 (HTQLCL) với những yêu cầu dành riêng cho tổ chức giáo dục nhằm thực hiện 6/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc về đảm bảo chất lượng toàn diện và công bằng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Để thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn này tại Việt Nam, năm 2019 tiêu chuẩn này đã được chấp nhận hoàn toàn tương đương thành TCVN ISO 21001:2019.
Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001 tập trung vào sự tương tác giữa tổ chức giáo dục, người học và các bên liên quan khác. Hệ thống còn hướng sự tập trung đến các đối tượng quan trọng, xác định và kiểm soát các hoạt động chủ yếu/quan trọng liên quan đến đối tượng đó, từ đó đưa ra các sản phẩm sát với yêu cầu hơn, có chất lượng tốt hơn.
Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001 được thiết lập dựa trên nền tảng 11 nguyên tắc, trong đó phải kể đến 6 nguyên tắc mang tính đặc thù của hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục, như:
(1) Hướng vào người học và các bên hưởng lợi khác: Thành công bền vững đạt được khi một tổ chức giáo dục có thể giải quyết được yêu cầu của mọi người học, đồng thời thu hút và giữ được lòng tin của các bên hưởng lợi khác như người sử dụng lao động, cha mẹ và chính phủ. Các tổ chức thành công thực hiện công việc để đảm bảo rằng từng người học thực hiện với tiềm năng cao nhất của họ. Mỗi hoạt động được thực hiện với tổ chức giáo dục đều mang lại cơ hội tạo ra nhiều giá trị hơn cho người học và các bên hưởng lợi khác;
(2) Sự lãnh đạo về tầm nhìn: Sự lãnh đạo về tầm nhìn là việc lôi cuốn người học và các bên hưởng lợi khác cùng tham gia vào việc tạo lập, xây dựng và thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức;
(3) Trách nhiệm xã hội: Tổ chức giáo dục chịu trách nhiệm về các tác động của các quyết định và hoạt động của mình tới xã hội, kinh tế và môi trường thông qua sự minh bạch và ứng xử đạo đức;
(4) Khả năng tiếp cận và sự bình đẳng: Các tổ chức giáo dục cần đảm bảo rằng nhóm người rộng nhất có thể tiếp cận được các sản phẩm và dịch vụ giáo dục của mình, tùy thuộc vào các ràng buộc và nguồn lực của họ. Tổ chức cũng cần đảm bảo rằng tất cả người học có thể sử dụng và hưởng lợi từ các sản phẩm và dịch vụ đó một cách công bằng;
(5) Ứng xử có đạo đức trong giáo dục: Khả năng của tổ chức trong việc tạo ra môi trường đạo đức chuyên nghiệp, trong đó tất cả các bên quan tâm đều được đối xử công bằng, tránh xung đột lợi ích và các hoạt động được thực hiện vì lợi ích xã hội. Để thành công bền vững, tổ chức cần xây dựng hình ảnh chính trực (trung thực và công bằng) trong đối xử với tất cả các bên quan tâm. Nhân viên của tổ chức cần giữ mình ở tiêu chuẩn nghề nghiệp cao nhất trong mọi ứng xử;
(6) An toàn và bảo vệ dữ liệu: Tổ chức tạo lập môi trường trong đó tất cả các bên quan tâm có thể tương tác với tổ chức giáo dục với đầy đủ niềm tin rằng họ duy trì được kiểm soát đối với việc sử dụng dữ liệu về chính mình và tổ chức giáo dục sẽ xử lý dữ liệu của họ với sự thận trọng và bảo mật thích hợp. Tổ chức giáo dục có thể đưa ra các tuyên bố về chính sách dựa trên khuôn khổ văn hóa của tổ chức (tập hợp hoàn chỉnh về lòng tin và các giá trị hình thành nên hành vi ứng xử của tổ chức) và các nguyên tắc của hệ thống quản lý chất lượng.
Tuy nhiên, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001:2019 đối với các cơ sở giáo dục tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tính đến hết năm 2022, cả nước mới có Trường Đại học FPT đạt được chứng nhặn chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 2001:2018 do tổ chức Bureau Veritas Certification – Anh Quốc công nhận dành cho cả 4 cơ sở giáo dục thuộc Hệ thống giáo dục FPT tại Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội.
Với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001không chỉ đem lại trải nghiệm chất lượng cho người học mà nó còn góp phần vào sự phát triển của cơ sở giáo dục trong tương lai. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng từ bên trong để quản lý và vận hành cơ sở giáo dục hiệu quả và đạt được nhiều lợi ích nhất cho các bên liên quan đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001không chỉ giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng hoạt động, cải tiến liên tục thể hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao uy tín của tổ chức giáo dục thông qua việc cung cấp giáo dục có chất lượng toàn diện và công bằng, chuyên biệt hóa việc học tập đáp ứng cho tất cả người học, bao gồm cả những người có nhu cầu giáo dục đặc biệt, người học từ xa và cơ hội học tập suốt đời; việc áp dụng tiêu chuẩn cũng là cách thức chứng tỏ cam kết của tổ chức giáo dục với việc cải tiến liên tục chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của người học và các bên quan tâm có liên quan; thúc đẩy văn hóa cải tiến, khích lệ sự xuất sắc và đổi mới trong tổ chức giáo dục.